Đỗ Quang
Tình hình hiện nay đã diễn ra theo xu hướng bất lợi nhất cho hai anh Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành.
Theo nhận định của chúng tôi thì hai anh đã bị kết tội vi phạm điều 226 Bộ Luật Hình Sự sửa đổi bổ sung 2009 “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo khoản 2, điểm a là phạm tội “có tổ chức” với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù giam.
Anh Thành được hưởng mức nhẹ nhất là 2 năm tù giam và anh Trung là 3 năm. Như vậy hội đồng xét xữ đã tính đến các tình tiết giảm nhẹ.
Các Luật gia là học viên Pháp Luân Công nhận định rằng Luật sư (LS) Trần Đình Triển không nắm rõ luật và hoàn toàn không bảo vệ được thân chủ của mình. LS Triển đã đặt sai vấn đề ngay từ đầu trong văn bản của mình gửi Viện Kiểm Sát tối cao:
“Nếu giả sử rằng áp dụng điều 226 Bộ luật hình sự 1999 đã được bổ sung và sửa đổi tháng 6 năm 2010 có hiệu lực từ 01/01/2010 để xem xét xữ lỳ hành vi của Vũ Đức Trung thì không có căn cứ, vì: thông tin phát trên hệ thống vô tuyến điện nói trên là hướng dẫn về “Pháp Luân Công” , pháp luật của nhà nước ta không cấm tuyên truyền, phổ biến về môn phái này (mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng và rèn luyện sức khỏe); thông tin đó không xâm phạm đến lợi ích của cơ quan tổ chức cá nhân, trật tự an toàn xã hội và cũng chưa có hậu quả xảy ra cho ai…”
HIỂU SAI
LS Triển đã hiểu sai hai điểm sau:
1) Cụm từ “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin…” ghi trong luật được LS Triển hiểu thành “đưa hoặc sử dụng thông tin trái phép…” Theo điều luật này thì ở đây hành vi thực hiện việc đưa thông tin bị điều chỉnh hơn là nội dung thông tin. Luật sư Triển lại hiểu rằng nội dung thông tin là đối tượng bị điều chỉnh. Nếu muốn nói đến nội dung thông tin thì cần phải đem cụm từ “trái phép” ra sau danh từ thông tin để đảm bảo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt.
Vì hiểu nhầm nên LS Triển đã dày công chứng minh rằng Pháp Luân Công không bị cấm tại Việt Nam. Đương nhiên là Pháp Luân Công không bị cấm ở Việt Nam và điều này cũng không liên can gì đến vụ việc của hai anh Trung và Thành vì hai anh có đưa thông tin nào đi nữa thì cũng vẫn bị điều chỉnh bởi điều luật này.
2) Điểm thứ hai là LS Triển đã quá chú tâm đến khoản 1 thuộc điều 226 nêu trên để chứng minh rằng việc làm của hai anh không “… xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng” trong khi đó anh Trung và Thành lại bị xét theo khoản 2 do phạm tội “có tổ chức”.
Theo khoàn 2 điểm a này thì không kể có “xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội” hoặc có “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu là phạm tội trên “có tổ chức” thì sẽ phạm vào khung 2 và bị phạt từ 2 đến 7 năm tù giam.
Như vậy LS Triển đã hoàn toàn đi lạc hướng trong việc thu thập các dữ kiện để bảo vệ thân chủ của mình và hoàn toàn bị động trong quá trình bào chữa.
Một nguồn tin trên mạng internet cung cấp thông tin chứng minh LS Triển đã lạc đề ngay cả khi ra bào chữa cho Trung và Thành trước tòa.
Theo Báo Đại Kỷ Nguyên, LS Triển đã chất vấn công tố viên rằng “không có pháp luật Việt Nam cấm phát sóng thông tin về Pháp Luân Công” cũng như “Triển yêu cầu được biết những gì pháp luật Việt Nam cấm phát sóng vào Trung Quốc” và công tố viên đã im lặng. LS Triển đã lãng phí thời gian bào chữa bàn cãi vào những câu hỏi ngô nghê vì Điều 226 bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực tháng 01/01/2010 điều chỉnh mọi hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” với bất kể nội dung thông tin gì hay hướng về bất cứ nơi đâu (cho dù nội dung muốn đưa là tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mác-LêNin hay chỉ hướng qua nhà hàng xóm).
CẦN PHẢI LÀM GÌ
Vậy đúng ra luật sư Triển phải làm gì? Theo các luật sư thì LS Triển cần phải chứng minh Trung, Thành không có tổ chức và điều này rất khó khăn; hoặc biện minh Trung, Thành thiếu hiểu biết và quá nhiệt tình nên vô tình phạm tội qua đó kêu gọi sự khoan hồng của luật pháp cùng các tình tiết giảm nhẹ tội cho hai anh.
Chúng tôi hy vọng, trong phiên phúc thẩm Luật sư Triển nếu còn tiếp tục bào chữa có thể bình tĩnh và chuẩn bị thật kỹ lưỡng các nội dung thật sự có lợi cho thân chủ của mình. Không đẩy họ và những người tập luyện Pháp Luân Công thiếu hiểu biết khác vào những tình huống phức tạp không đáng có như đang diễn ra hiện nay.
Tham khảo
- Bộ Luật Hình Sự sửa đổi bổ sung 2009
- http://vietdaikynguyen.com/v2/culture/1-world/1236-hai-ngi-ai-truyn-thanh-vit-nam-b-kt-ti-trong-phien-toa-nhan-chng-noi
- Công văn của Luật sư Trần Đình Triển gửi Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao
- Công văn của Luật sư Trần Đình Triển gửi Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao